Khi xảy ra sự cố, tùy theo mức độ hư hại mà các giải pháp được áp dụng khác nhau. Nếu card gặp lỗi nhỏ như quạt hỏng hay đèn LED chết, card đồ họa sẽ được gửi đến Hong Kong để sửa chữa. Tuy nhiên, nếu card bị hỏng hoàn toàn, nó sẽ được gửi trả lại cho nhà sản xuất. Chẳng hạn, đối với những sản phẩm được lắp ráp bởi các thương hiệu tại Đài Loan (Trung Quốc), các mẫu card bị hỏng sẽ được gửi về hãng. Người dùng trong trường hợp này sau đó nhận được hoàn tiền đầy đủ theo giá mua.
Trang HKEPC mô tả một trường hợp điển hình cho cách giải quyết trên, khi một người dùng được cửa hàng hoàn lại tiền cho card đồ họa GeForce RTX 4090 bị hỏng. Đáng nói, người dùng này không được nhận một sản phẩm mới để thay thế cho chiếc card cũ, mặc cho một mẫu sản phẩm tương tự vẫn còn trong kho. Điều này cho thấy các card đồ họa GeForce RTX 4090 hiện tại được coi là "tài sản' quý giá của các cửa hàng, không phải là hàng có sẵn để thay thế dễ dàng. Được biết, sau một vài ngày thương lượng, người tiêu dùng nói trên cuối cùng đã đồng ý nhận hoàn tiền và mua một chiếc GeForce RTX 4090D (phiên bản dành riêng cho thị trường Trung Quốc) với giá phải chăng.
Tất nhiên, dù có các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, các nhà phân phối card đồ họa vẫn đảm bảo bảo hành cho sản phẩm của mình tại Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng hài lòng với giải pháp hoàn tiền khi họ thực sự mong muốn sở hữu một chiếc RTX 4090 cho hệ thống của mình. Chưa kể đến, giá của GeForce RTX 4090 đã tăng vọt kể từ khi lệnh cấm được áp đặt, khiến việc mua mới với số tiền được hoàn lại trở nên không khả thi. Một giải pháp thay thế có thể là phiên bản GeForce RTX 4090D, với số lõi CUDA đã giảm từ 16384 xuống 14592. Ngoài ra, số lượng lõi Tensor cũng đã giảm xuống còn 456 lõi, giảm so với 512 lõi ban đầu. Tuy nhiên, người dùng vẫn có khả năng nhận về hiệu suất tương đương thông qua việc ép xung thủ công.
Nguồn: Genk